Tọa lạc trên diện tích 250m² ở làng Lai Xá (xã Hoài Đức, Hà Nội), Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên – bảo tàng về nhà trí thức tiêu biểu trong Chính phủ cách mạng ngay sau Cách mạng Tháng Tám, một vị Bộ trưởng Giáo dục tài đức vẹn toàn, là một địa chỉ hữu ích với nhiều người, nhất là với các em học sinh.
Đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, chúng ta cảm nhận tầm vóc của một người trí thức suốt đời phụng sự Tổ quốc, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu văn hóa…
Khi đến Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, khách tham quan sẽ được những hậu duệ của ông tiếp đón và kiêm luôn hướng dẫn viên. Người tham quan sẽ cảm nhận rõ hơn, gần gũi hơn về một nhân sỹ, trí thức tiêu biểu được Bác Hồ lựa chọn làm Bộ trưởng Giáo dục nhiều năm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Buổi chiều ấy chúng tôi đến, từ cảnh vật đến hiện vật đều gợi nhớ đến ông, đến truyền thống của một gia đình hiếu học.
                  
                 Bảng phả hệ gia đình Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên
Tại khuôn viên khu vườn nhỏ xinh đẹp, yên tĩnh và xanh mướt mát cây lá, bà Vũ Thị Kim – con dâu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên thân mật tiếp đón và thuyết minh. Đó là khu vườn nhỏ được trồng những loại cây gợi nhớ về khu vườn của bố mẹ và 4 chị em bên nhà chồng bà đã từng sống, có tên Vườn ký ức. Cây sấu, cành roi, chùm khế trĩu quả hay những đóa loa kèn rực rỡ… Khi thấy lại những cảnh vật xưa cũ được tái hiện, bao kỷ niệm như ùa về và cả gia đình như sống lại trong ngôi nhà đầm ấm một thời. 
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là một tríthức Tây học, ông cùng người em trai được sang Pháp từ đầu thế kỷ XX du học và làm luận án tiến sĩ tại đây. Khi về nước, ông không ra làm quan mà chuyên tâm với nghề dạy học và gắn bó trọn đời với sự nghiệp giáo dục, nghiên cứu văn hóa. Khi du học bên Pháp, ông và người em trai được chị gái, một giáo viên dạy Toán đầu tiên của Trường Đồng Khánh, cũng chính là phu nhân Khâm sai đại thần (sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) Phan Kế Toại nuôi ăn học. Em ruột ông, ông Nguyễn Văn Hưởng, sau này là Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
                    
                  Bảo tàng thu hút rất đông các em học sinh đến tham quan và học hỏi
Người bạn đời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên là bà Vi Kim Ngọc, ái nữ của Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định nức tiếng một thời bởi truyền thống của một đại gia tộc từng được trọng dụng từ đầu triều Lê. Bà Vi Kim Ngọc là một người phụ nữ xinh đẹp, rất có cá tính và am hiểu cầm, kỳ, thi, họa.
Trong phần trưng bày phả hệ gia tộc họ Nguyễn và họ Vi, người xem có thể cảm nhận họ Vi bên nhà bà Kim Ngọc là một gia tộc khá đặc biệt, “danh gia vọng tộc”.
Phần trưng bày các tư liệu, hình ảnh thời trẻ của ông bà Nguyễn Văn Huyên –  Vi Kim Ngọc gắn với một chuyện tình đẹp và lãng mạn của cặp trai tài – gái sắc và những công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Huyên, những cuộc đi điền dã và những ghi chép, (bản nháp, những số liệu, đo đạc của các công trình nghiên cứu dân tộc học, văn hóa học và cả những phác thảo hình ảnh…). Những quyển sổ chữ nhỏ li ti, được ông ghi chép trong mỗi chuyến đi, giấy đã ngả màu vàng nhưng nét chữ và mép giấy vẫn còn như tươi rói. Đó là các công trình: “Hát đối của thanh niên nam nữ ở Việt Nam”, “Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á”, “Những khúc ca đám cưới Tày ở Lạng Sơn và Cao Bằng”… “Tết Nguyên đán ở Việt Nam”, “Tết Thanh Minh về việc tảo mộ của Việt Nam”…
Phần tuổi trẻ của bà Vi Kim Ngọc lại tươi rói ở những bức hình. Một tiểu thư con quan Tổng đốc không những nổi tiếng bởi tên tuổi của người cha mà còn nổi tiếng bởi sự thông minh, xinh đẹp, hiền thục. Ở bức hình nào, bà cũng luôn nổi bật. Bên cạnh đó là những bức họa, những bông hồng nhung bằng lụa đẹp do chính tiểu thư một thời và phu nhân bộ trưởng sau này thể hiện. 
Tình yêu còn làm đầy thêm với những bản nhạc được cất lên. Đó là những bài hát ông bà thường nghe, giờ đây lại vang lên trong chính căn phòng mang đầy kỷ vật và kỷ niệm. Chiếc máy ảnh cũ ông thường chụp những bức ảnh của vợ con mình. Trong đó có nhiều bức ảnh những đứa trẻ trong kháng chiến chống Pháp, là con, cháu của ông bà và những người thân trong gia đình như bác sĩ Hồ Đắc Di, bác sĩ Tôn Thất Tùng luôn ở bên nhau. Họ là những cái tên mà khi nhắc đến, nhân sỹ, trí thức Hà thành đều ngưỡng mộ và trân trọng: Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Hồ Thể Lan, Hồ Đắc Thuyên, Tôn Thất Bách, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hạnh… 
Đến thăm Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, chúng ta cảm nhận sự độc đáo và càng trân trọng một gia tộc đã nhiều đời dày công “trồng cây ĐỨC” để, chẳng những được phúc đẳng hà sa mà còn làm rạng danh trí thức nước Việt Nam.
Ngô Chuyên