Qua thời gian người Việt có cách đón Tết khác nhau, nhưng giá trị văn hoá cốt lõi thì vẫn không thay đổi.  
Trao đổi với VnExpress nhân dịp Tết Kỷ Hợi 2019, nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Văn Huy cho rằng, người trẻ hiện nay có nhiều cách đón Tết nhưng không vì thế mà ý nghĩa ngày Tết bị mai một. 
– Tết Nguyên đán ở nước ta có nguồn gốc từ đâu, thưa ông?
– Trước đây, với người Việt thì vụ mùa tháng Tám là vụ quan trọng nhất. Nên Tết cơm mới vào tháng này hay còn gọi là Tết mùa thu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sau khi thu hoạch, gặt hái xong, người dân cúng thần lúa, cầu mong mảnh ruộng nương tốt tươi. Nhiều nghi lễ được tổ chức trong dịp này và cũng là dịp để thanh niên trai, gái hát giao duyên với nhau. Đây có thể coi là Tết đầu tiên của người Việt. 
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy. Ảnh: CTV
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy. Ảnh: CTV
Đến nay, nhiều nơi ở đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn giữ âm hưởng của Tết mùa thu qua các lễ hội với nhiều nghi lễ truyền thống. Nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam cũng ăn Tết cơm mới thay vì Tết Nguyên đán. Thời điểm ăn Tết của mỗi dân tộc phụ thuộc vào thời gian thu hoạch mùa màng. 
Nhưng từ khi nước ta bị phong kiến Trung Quốc đô hộ, trải qua 1.000 năm Bắc thuộc, Tết Nguyên đán hay còn gọi là Tết mùa xuân bắt đầu thâm nhập vào đời sống người Việt. Nó ngày càng có vị trí quan trọng. Ở các đô thị, Tết mùa xuân được coi trọng hơn và dần ảnh hưởng đến vùng nông thôn. 
Ở nước ta cũng như Trung Quốc, trước đây việc phân chia thời gian dựa trên sự vận hành của mặt trăng. Mỗi tháng bắt đầu vào một ngày của tuần trăng mới. Và năm cũng khởi đầu vào tuần trăng mới đầu tiên. Người ta đặt tên lễ này là tiết Nguyên đán như những buổi rạng đông của sự khởi đầu về thời gian và mùa xuân. 
– Tết Nguyên đán có ý nghĩa như thế nào với đời sống người Việt từ xưa đến nay?
– Từ khi du nhập vào Việt Nam, trải qua thời gian, Tết Nguyên đán giữ vai trò rất đặc biệt, trở thành thành tố văn hoá quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt.
Trong tâm thức người Việt, Tết là dịp rất đặc biệt để gửi gắm niềm tin và hi vọng. Dù là người già, trẻ, giàu, nghèo, nông thôn, thành thị cũng đều háo hức chờ đón sự mới mẻ, nhìn vào tương lai, mong muốn những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình. Những hoạt động ngày Tết như người lớn mừng tuổi trẻ nhỏ, đốt pháo, treo câu đối đỏ… đều xuất phát từ mong muốn tốt lành cho một năm mới. 
Tết là khoảng thời gian mà con người đồng cảm, chia sẻ với nhau. Hiếm khi chúng ta bắt gặp sự đồng cảm như vậy trong xã hội, từ gia đình, dòng họ, làng xóm đến cộng đồng rộng lớn hơn. Gần đây, việc đón giao thừa ở nơi công cộng cũng là cách mọi người nhân rộng sự chia sẻ, đồng cảm với nhau. Những người xa lạ, không quen biết nhưng vào thời khắc đón giao thừa cùng nhau họ gửi đến nhau lời chúc tốt đẹp, trong sự vui vẻ, phấn khởi. Sự đồng cảm ngày Tết là sự đồng cảm vĩnh cửu, ngày càng phát triển. Đây là một trong những giá trị cốt lõi của Tết khiến con người xích lại gần nhau hơn.
Một giá trị nữa của Tết Nguyên đán mà chỉ có ở phương Đông đó là dịp để người sống thể hiện tình cảm với ông bà, bố mẹ và những người đã khuất. Vào tối 30, chúng ta thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn tết, vì chúng ta tin rằng những ngày tết, những người đã khuất ấy vẫn về quan sát chúng ta. Đây là dịp để con cháu trong gia đình bày tỏ lòng hiếu lễ với bề trên. 
– Trải qua thời gian, Tết Nguyên đán từ xưa đến nay đã thay đổi ra sao?
– Tết Nguyên đán từ xưa đến nay có nhiều thay đổi. Nhưng những giá trị cốt lõi như trên thì không thay đổi. Sự thay đổi của ngày Tết bây giờ chỉ là cách đón tết, cách thể hiện tình cảm và niềm hi vọng.
Đơn cử Tết của người Việt gắn liền với câu chuyện gói bánh chưng. Bản thân hoạt động này là giá trị văn hoá phi vật thể có ý nghĩa quan trọng. Trước đây thì mỗi dịp Tết đến, nhà nào cũng phải chuẩn bị gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh… để tự tay gói bánh chưng. Rồi cả nhà cùng thức đêm để trông nồi bánh ấy. Nhưng bây giờ nhiều nhà không gói nữa mà đi mua bánh. Đó là sự khác nhau của Tết xưa và nay. Nhưng điều này không làm ngày Tết nhạt nhoà hay mất ý nghĩa. Bởi giá trị cốt lõi của bánh chưng ngày Tết vẫn còn. Mâm cúng gia tiên đêm giao thừa với bất cứ gia đình nào cũng không thể thiếu bánh chưng. 
Hoặc ngày Tết trước đây người người, nhà nhà phải rồng rắn đi đến mọi nhà chúc nhau. Nhưng bây giờ người ta giản tiện đi và châm chước cho nhau chuyện đó. 
Bây giờ nhiều người nói thanh niên nhạt nhoà với Tết vì tranh thủ dịp này đi du lịch, thay vì về nhà đón Tết. Nhưng cần nhìn rộng ra, Tết là dịp nghỉ ngơi của mỗi người sau một năm làm lụng vất vả. Điều quan trọng là Tết vẫn nằm trong tâm thức, tư duy của mỗi người Việt Nam. Dù đi du lịch, họ vẫn hướng về gia đình, ông bà, tổ tiên, vẫn gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp. Giá trị Tết là hi vọng vì thế vẫn không mất đi. 
Bối cảnh xã hội thay đổi khiến cách đón Tết của mỗi người cũng thay đổi. Tôi không nghĩ rằng Tết vì thế mà bị mai một. Những giá trị cơ bản của Tết vẫn được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác gìn giữ. 
Người Hà Nội sắm đào đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Giang Huy
Người Hà Nội sắm đào đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Ảnh: Giang Huy
– Việc đón Tết của người Việt hiện nay còn những điều gì chưa đẹp, cần thay đổi và giá trị nào cần gìn giữ lâu dài?
– Xã hội vận hành theo quy luật, những điều gì không còn phù hợp sẽ bị đào thải. Những việc không đẹp trong ngày Tết cũng vậy, khi không còn phù hợp sẽ không tồn tại được lâu. 
Hiện nay tôi thấy nhiều nơi ăn Tết vẫn còn giữ hủ tục như đánh bạc, rượu bia, cỗ bàn quá nhiều. Việc này gây nguy hại rất lớn, không chỉ làm mất giá trị ngày Tết mà còn ảnh hưởng khiến nhiều gia đình tan gia, bại sản, tai nạn giao thông gia tăng. 
Đặc biệt, ngày Tết là dịp để nhiều người thể hiện sự cầu mong thái quá. Họ đi lễ hội chỉ nhằm mục đích tranh giành nhau ấn, lộc để cầu mong may mắn, thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt. Hoặc việc khác mà ai cũng nhìn rõ là người dân đốt vàng mã ngày càng nhiều. Vàng mã bây giờ không còn đơn giản và mang ý nghĩa đốt tượng trưng như trước đây. Người ta làm vàng mã đủ thể loại nhà lầu, xe hơi, tiền đô… để đốt. Đây cũng là cơ hội để thầy bói, thầy cúng… hành nghề lan truyền sự mê tín trong cộng đồng. 
Hoặc Tết là dịp nhiều người có chức, có quyền lợi dụng để tìm mọi cách biếu xén quà cáp cấp trên. Những món quà không chỉ mang ý nghĩa chúc nhau những điều tốt lành nữa mà nặng giá trị vật chất, nhằm trục lợi. 
Đó là những hành vi cực đoan thái quá ngày Tết mà người Việt cần xoá bỏ. Những điều tốt đẹp của ngày Tết chỉ nên xuất phát từ tâm mỗi người và làm sao giữ mọi thứ thật bình thường, thì ngày Tết mới có ý nghĩa thực sự. 
Như trên tôi đã nói, với người Việt, ngày Tết có ba giá trị cốt lõi là hi vọng, sự đồng cảm và hiếu lễ. Đó là những giá trị muôn thủa của ngày Tết mà người Việt cần gìn giữ, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù điều kiện kinh tế, xã hội mai sau có khác như thế nào, cách đón Tết, ăn Tết, chơi Tết cũng thay đổi, nhưng những giá trị ấy không thay đổi. 
– Nhiều năm vừa qua cứ mỗi dịp Tết đến là xảy ra cuộc tranh luận về việc có nên bỏ Tết Nguyên đán để gộp vào Tết dương lịch hay không. Ông nghĩ sao?
– Tết Nguyên đán là di sản đặc trưng của Việt Nam và một số nước Đông Á. Đây là di sản phi vật thể tiêu biểu của người Việt. Nên tôi cho rằng không nên bỏ Tết Nguyên đán. Nếu bỏ Tết Nguyên đán là đi ngược lại đường lối gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bỏ đi một phần di sản quan trọng trong tâm thức người Việt. 
Những ý kiến đề nghị bỏ Tết Nguyên đán thường lấy ví dụ câu chuyện Nhật Bản đã bỏ Tết cổ truyền từ mấy thế kỷ trước. Nhưng tôi cho rằng ví dụ này chưa thuyết phục. Bởi hoàn cảnh Việt Nam bây giờ và Nhật Bản trước đây khác nhau. Và ai có thể dám chắc người Nhật không hối tiếc về quyết định ấy. 
Hoặc nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc, mỗi dịp Tết Nguyên đán là cả nước lại đến kỳ xuân vận với hàng trăm triệu người di cư. Nhưng họ vẫn giữ Tết Nguyên đán đến ngày nay. 
Năm 1924, học giả Phạm Quỳnh có viết bài về Tết và khẳng định, nếu được hỏi có nhập Tết âm vào Tết dương thì ông quyết bỏ phiếu giữ lại Tết âm lịch. Từ ngày xưa, những học giả lớn nước nhà đã đặt ra câu chuyện này và có câu trả lời rồi. 
Nói Tết Nguyên đán ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội chỉ là sự biện minh. Nếu biết phát huy giá trị ngày Tết, đây còn là dịp để chúng ta kích thích sự phát triển kinh tế, xã hội, du lịch. 

Viết Tuân