(Kienthuc.net.vn) – PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) có một người cha rất nổi tiếng: GS.TS Nguyễn Văn Huyên. 

Nối tiếp cha, ông cũng nghiên cứu về dân tộc học, về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, tổ chức các hoạt động về bảo tàng… Người mê sách

Trong trí nhớ của PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bố rất bận và thường hay đi công tác các địa phương cả trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp lẫn thời chống đế quốc Mỹ. Nhưng ông luôn quan tâm, chăm sóc con cái. Đặc biệt, ông cùng bà rất quan tâm không chỉ việc việc học hành mà cả tư cách đạo đức của con cái.

Nói về cha, ánh mắt PGS.TS Nguyễn Văn Huy ánh lên vẻ tự hào: Ông là người mê sách. Từ trước năm 1945, trong thư viện của riêng ông đã có cả vạn cuốn sách, chủ yếu là chữ Pháp, chữ Hán. Các sách trong thư viện của ông được đóng gáy bìa da, bìa cứng, bọc gấm, ở gáy sách luôn mạ chữ “Nguyễn Văn Huyên” để “khẳng định chủ quyền”. Thư viện này đã bị đốt cháy khi toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội năm 1946. Sau này ông xây dựng lại thư viện của mình.Mỗi khi mua sách về ông đều tự bọc sách bằng giấy bóng kính hay giấy tốt từ các tờ họa báo nước ngoài, khi không có điều kiện thì bọc bằng giấy báo thường. Sách của ông không bao giờ để quăn mép hay gấp trang. Cứ đến cuối tuần, ông cụ lại cởi trần dọn từng giá sách, lau chùi, nâng niu xếp đặt lại… Ông cụ còn dạy các con cách bọc sách, cách rọc trang giấy nếu chẳng may 2 trang bị dính… Kẻ thù của ông là mối và con đuôi dài chuyên ăn sách, đục thủng bên trong nhiều khi cả cuốn sách.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Từ bé, được “tắm” mình trong thư viện của cha, tôi cũng mê sách, quý sách, mê công việc sưu tầm tỉ mỉ lúc nào không biết”.

 

GS.TS Nguyễn Văn Huyên thời trẻ. Ảnh gia đình cung cấp. 

 

 

Những lá thư
Trong gia đình GS.TS Nguyễn Văn Huyên, các con được giáo dục phải quan tâm đến nhau, người lớn hơn phải quan tâm đến người bé hơn… Vì thế, tuy sau này các chị học ở xa (2 chị học ở Trung Quốc, 1 chị học ở Liên Xô), PGS.TS Nguyễn Văn Huy vẫn thường xuyên nhận được thư của các chị động viên, thăm hỏi. PGS.TS Nguyễn Văn Huy rất cảm động khi sau này đọc được nhiều thư bố mẹ viết cho các chị, nhắc các chị phải quan tâm, có trách nhiệm với các em.

Năm 1966, khi còn sơ tán, anh sinh viên Nguyễn Văn Huy có viết cho bố xin lời khuyên nên chọn ngành nào: Sử hiện đại, dân tộc học hay khảo cổ học… Trong thư trả lời, ông cụ viết: Ngành nào cũng có ích cho xã hội. Nhưng nó chỉ thực sự có ích khi mình thực sự say mê. Để say mê, con phải chịu khó nghiên cứu sâu, như thế thì con mới đóng góp được nhiều cho xã hội… Bức thư trả lời không khuyên cụ thể con nên chọn ngành nào, ông cụ để con tự quyết định. Đó là cách cụ giáo dục trong sự tôn trọng con cái. Ngẫm lời cha, cậu sinh viên Nguyễn Văn Huy đã quyết định chọn ngành theo ý mình.Và giờ, càng ngẫm ông càng thấy cha mình đúng: trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học hay bất cứ ngành nào, để thành công phải có sự say mê. Điều cha dạy cũng đã được PGS.TS Nguyễn Văn Huy truyền lại cho thế hệ sau, coi như kim chỉ nam để thành công. GS.TS Nguyễn Văn Huyên mất khi PGS.TS Nguyễn Văn Huy vẫn là một thanh niên sôi nổi, chưa có gia đình, đang đi thực tập ở Liên Xô và theo đuổi lĩnh vực mới: Xã hội học dân tộc. Khi GS.TS Nguyễn Văn Huyên sang Đức, các bác sĩ bên đó phát hiện ra bệnh thận của cụ, đề nghị mổ. Tuy nhiên, sau khi mổ, cụ lại bị biến chứng chảy máu dạ dày và không qua khỏi.

GS.TS Nguyễn Văn Huyên (1908 – 1975) là một nhà sử học, dân tộc học, một giáo viên. Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (bây giờ gọi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo) trong 29 năm, từ năm 1946 đến 1975. Vợ ông là bà Vi Kim Ngọc – con của nguyên Tổng đốc Thái Bình, Hà Đông Vi Văn Định. Con gái đầu của ông bà là Nguyễn Kim Nữ Hạnh – kỹ sư thông tin (đã mất năm 2010), con thứ 2 là PGS.TS Nguyễn Kim Bích Hà – hiệu trưởng một trường học, con thứ 3: PGS.TS  Nguyễn Kim Nữ Hiếu, công tác ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 (vợ GS Nguyễn Lân Dũng). PGS.TS Nguyễn Văn Huy là con trai út.

http://kienthuc.net.vn/mo-cua/pgsts-nguyen-van-huy-tam-minh-trong-thu-vien-cua-cha-222470.html